Trong thời gian qua, Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh và mang lại hiệu quả cao. Nổi bật là điều trị bệnh trĩ và bệnh thoát vị đĩa đệm.
Bác sĩ Đỗ Thành Nhân, Khoa Ngoại phụ Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, tư vấn điều trị bệnh trĩ cho bệnh nhân.
Ảnh: N.Thư
Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, Khoa Ngoại phụ Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đã được nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến để chữa bệnh trĩ bằng phương pháp Đông - Tây y kết hợp. Cụ thể là phương pháp tiêm thuốc PG-60 (của lương y Lê Văn Chánh, Viện Y dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh) trực tiếp vào búi trĩ làm teo, co nhỏ lại, đồng thời kết hợp với các bài thuốc y học cổ truyền làm búi trĩ co lên, tăng cường bảo vệ thành mạch, kết hợp nhuận trường.
Giảm đau đớn cho người bệnh trĩ
Bác sĩ Đỗ Thành Nhân, Khoa Ngoại phụ Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết ưu điểm lớn nhất của điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm thuốc PG-60 là giúp bệnh nhân giảm đau đớn, nhanh khỏi bệnh, không phải nghỉ việc để nhập viện điều trị, ít biến chứng nguy hiểm, chi phí rẻ. Phương pháp này đã chữa khỏi bệnh trĩ cho 100% bệnh nhân bị bệnh trĩ từ độ 1-3; chữa khỏi 90% trường hợp từ độ 4; thậm chí chữa khỏi bệnh cho các trường hợp bị biến chứng sau khi phẫu thuật bệnh trĩ do hẹp hậu môn; nhiễm trùng lở loét vùng hậu môn do điều trị ở các phòng khám tư, đắp lá thuốc bừa bãi.
Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân tìm đến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai điều trị bệnh là người ngoại tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Phước (ngụ tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết qua giới thiệu của người quen, ông đã tìm đến chữa trị bệnh trĩ tại Bệnh viện y dược Đồng Nai được hơn 3 tuần. Qua 9 lần đến tiêm thuốc, ông thấy tình trạng bệnh đã giảm hẳn.
Theo bác sĩ Đỗ Thành Nhân, đa phần bệnh nhân đến chữa bệnh trĩ đều trong tình trạng bệnh nặng ở độ 3, độ 4, có búi trĩ lòi ra ngoài, đại tiện ra máu nên thời gian điều trị kéo dài hơn. Tùy theo mức độ bệnh mà có phác đồ điều trị từ 8-20 mũi tiêm. Do đó, bệnh nhân khi có dấu hiệu đại tiện ra máu nên đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bệnh trĩ diễn tiến âm thầm nếu để tình trạng xuất huyết kéo dài, gây mất máu nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân. Để phòng tránh bệnh, mọi người cần chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý, giàu chất xơ; hạn chế uống rượu, bia; hạn chế ngồi lâu, đứng lâu...
Hồi phục đĩa đệm nhờ tác động cột sống
Một trong những bệnh có khá nhiều người đang chữa trị tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai là bệnh thoát vị đĩa đệm, gây đau đớn, hạn chế vận động, có rất đông bệnh nhân trong độ tuổi lao động. Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai đã triển khai nhiều phương pháp phối hợp trong điều trị thoát vị đĩa đệm là: kéo cột sống, châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống... Trong đó, phương pháp tác động cột sống là một trong những kỹ thuật mới, có hiệu quả cao.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết tác động cột sống là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mà bác sĩ dùng tay tác động một lực thích hợp lên cột sống vùng thắt lưng hoặc vùng xương cùng (nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng), cột sống vùng cổ (nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ) theo hướng trục và hướng tâm cột sống giúp cho cột sống tự điều chỉnh, tự lập lại cân bằng để hồi phục. Phương pháp tác động cột sống khác hẳn xoa bóp bấm huyệt vì đòi hỏi người thực hiện phải nắm vững nguyên tắc, phương thức, thủ thuật của phương pháp cũng như hiểu rõ về cơ chế sinh bệnh, tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân để có phương pháp tác động phù hợp, hiệu quả.
Nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, sau khi được tác động cột sống đã hồi phục sức khỏe. Chị Lại Thị Hường, công nhân của Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ chị bị thoát vị đĩa đệm hơn 3 năm nay, thường xuyên bị đau lưng, tê chân. Cách đây 1 tháng, chị bị đau buốt lưng, tê cứng chân trái không thể đi lại được, làm gì cũng phải nhờ người thân dìu. Mấy tuần qua được chữa trị ở Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, nhất là sau khi được bác sĩ tác động cột sống, chị thấy người nhẹ nhõm hẳn, giảm đau đớn, đi lại bình thường. Chị Hường chia sẻ: “Đặc thù công việc của tôi là đứng nhiều, nếu đau đớn kéo dài thì tôi không thể tiếp tục làm việc. Nay sức khỏe hồi phục, tôi rất vui vì có thể đi làm trở lại để lo cho con ăn học”.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh cho biết bệnh thoát vị đĩa đệm thường xảy ra với nhân viên văn phòng do ngồi làm việc lâu, gây ảnh hưởng không tốt cho cột sống; những người có cấu trúc xương yếu, thiếu canxi; những người làm việc sai tư thế, thường xuyên mang vác nặng. Để phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm, nhân viên văn phòng cần tăng cường vận động, cách khoảng 1 tiếng làm việc phải đứng dậy đi lại; thường xuyên tập thể dục - thể thao; đối với người bị thoái hóa cột sống cần ăn uống hợp lý, bổ sung canxi; những người làm việc nặng cần chia nhỏ trọng lượng để khuân, vác thành nhiều đợt. Riêng những người bị thoát vị đĩa đệm đã được phục hồi nhờ phương pháp tác động cột sống, cần chú ý kiểm soát cân nặng, tránh vận động sai tư thế, chú ý thường xuyên tập những bài tập tốt cho đĩa đệm, tốt nhất là hít xà đơn và bơi lội.
Ngọc Thư