Bệnh viện Y Dược cổ truyền Đồng Nai: Triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới.
Ngày đăng: 29/09/2014 10:40

Là bệnh viện chuyên khoa về y dược cổ truyền (YDCT) cấp tỉnh, với quy mô 150 giường bệnh,trong thời gian qua, Bệnh viện YDCT Đồng Nai  đã triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến mới mang lại hiệu quả cao trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Những năm qua, bệnh viện Đồng Nai luôn chú trọng đầu tư trên cả 3 lĩnh vực: cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Từ khi Bệnh viện được xây mới khang trang, rộng rãi, đã mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại như: máy laser bán dẫn quang trị liệu 2 bước sóng, điện từ trường cao áp; điện xung - điện phân; sóng ngắn cao tầng; siêu âm điều trị; máy kéo giãn cột sống cổ, lưng; thiết bị thủy trị liệu, ngâm thuốc bắc, xông hơi thuốc; máy đo độ loãng xương, X-quang, siêu âm màu 3D… Cùng với đầu tư trang thiết bị, bệnh viện luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ.

PGS. TS NGHIÊM HỮU THÀNH PHÁT BIỂU TẠI LỚP CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT THỦY CHÂM CHO CÁC Y, BÁC SĨ BỆNH VIỆN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN ĐỒNG NAI.

Giờ đây, với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhiều năm kinh nghiệm và tâm huyết, bệnh viện đã thu hút được ngày càng đông bệnh nhân không chỉ trong tỉnh mà cả các vùng lân cận đến khám và điều trị.

Không dừng lại ở đó, bệnh viện luôn chú trọng tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật mới để ứng dụng vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân. BS.CKI Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới. Đặc biệt, mới đây, bệnh viện được đoàn công tác do PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương làm trưởng đoàn, trực tiếp chuyển giao 2 kỹ thuật Thủy châm và Cấy chỉ chân huyệt. Hai kỹ thuật mới này được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh mãn tính như: viêm khớp, hội chứng thắt lưng - hông, hội chứng cổ - vai - cánh tay, di chứng tai biến mạch máu não, liệt thần kinh ngoai vi, hội chứng suy nhược thần kinh, hen phế quản…

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI LỚP CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT TẠI BỆNH VIỆN Y DƯỢC CÔ TRUYỀN ĐỒNG NAI

Kỹ thuật thủy châm là phương pháp tiêm thuốc trực tiếp vào huyệt, cũng có thể tiêm dưới da hay tiêm vào bắp. Đây là kỹ thuật phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm cứu với tác dụng chữa bệnh của thuốc và khối lượng thuốc tác động lên huyệt vị, với liệu trình điều trị mỗi đợt từ 7 - 10 ngày theo phương pháp thường xuyên thay đổi huyệt, không thủy châm liên tục 1 huyệt. Tính đến nay, bệnh viện đã điều trị thành công cho trên 100 ca theo phương pháp mới này. Điển hình là bệnh nhân Phạm Văn Phúc, 61 tuổi, ngụ tại phường Tân Phong (TP. Biên Hoà), bị bệnh đau thần kinh tọa đã điều trị một thời gian dài bằng thuốc tây, bệnh có thuyên giảm nhưng không khỏi, cứ tái đi, tái lại nhiều. Sau khi nhập viện, ông Phúc được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật thủy châm kết hợp với vật lý trị liệu, sau 2 đợt điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện trong niềm vui, phấn khởi của ông và gia đình.

Còn kỹ thuật cấy chỉ chân huyệt là phương pháp đưa đoạn chỉ Catgut vào huyệt vị của người bệnh, đoạn chỉ này sẽ tự tiêu trong vòng 20- 25 ngày. Trong quá trình tự tiêu tại huyệt, đoạn chỉ Catgut tạo ra kích thích cơ học (vật lý) như châm cứu, nhưng nó có tác dụng dài ngày hơn. Những bệnh nhân được chỉ định châm cứu đều có thể áp dụng phương pháp này. Một lần điều trị có tác dụng từ 20-25 ngày. Tính từ tháng 10/2012 đến nay, bệnh viện đã điều trị cho trên 50 bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Hoài Giang, 73 tuổi, ngụ tại phường Trảng Dài cho biết, ông bị tai biến mạch máu não, tê yếu nửa người đã được điều trị bằng châm cứu và uống thuốc nam, do nhà ít người, ai cũng bận việc nhưng vẫn phải thay phiên nhau đưa ông đến bệnh viện châm cứu mỗi ngày làm ông cảm thấy rất phiền. Từ khi được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ thì 20 ngày ông mới phải đến bệnh viện cấy chỉ 1 lần, do đó giảm được nhiều công sức, chi phí đi lại, đỡ gây phiền hà cho con cháu và cũng tiết kiệm được thời gian cho y, bác sĩ.

Sau khi ứng dụng thành công 2 kỹ thuật thủy châm và cấy chỉ, bệnh viện đã tích cực chuyển giao và hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã được phân công đến tận các cơ sở cầm tay, chỉ việc cho tuyến dưới bằng hình thức ôn lại phần lý thuyết cơ bản, hướng dẫn quy trình thực hiện, sau đó vừa thực hành vừa hướng dẫn trực tiếp trên những bệnh nhân bị thần kinh tọa hoặc tai biến mạch máu não… cho đến khi đội ngũ bác sĩ tuyến dưới thuần thục các thao tác kỹ thuật. Ngoài ra, bệnh viện còn hướng dẫn cho các Trạm y tế khám bệnh theo phương pháp y học cổ truyền: vọng chẩn (quan sát bệnh nhân và hoàn cảnh), văn chẩn (lắng nghe âm thanh từ thể trạng và tâm sự bệnh nhân), vấn chẩn (hỏi bệnh nhân và người nhà những điều liên quan), thiết chẩn (khám bằng tay và dụng cụ) để xác định bệnh trạng và hướng dẫn xây dựng vườn thuốc mẫu (vườn thuốc nam), phân biệt và sử dụng dược liệu…

Bác sĩ Phạm Văn Long, Giám đốc bệnh viện cho biết, dự kiến thời gian tới, bệnh viện sẽ ký kết với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật không dùng thuốc khác và tiến tới từng bước trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đồng thời liên hệ với Viện Y dược dân tộc TP. Hồ Chí Minh để ký kết hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn chuẩn bị nguồn nhân lực giúp bệnh viện triển khai thành lập thêm các khoa lâm sàng như: Ngoại – Phụ, khoa ngũ quan, dưỡng sinh... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đang hoàn tất cơ sở, trang thiết bị để triển khai khu điều trị bằng các liệu pháp xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, ngâm thuốc bắc trong quý 1/2013 và đầu tư thêm các thiết bị điều trị bằng ôxy cao áp, Laser CO2... để ngày càng nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Bích Ngọc - T4g Đồng Nai