Hạnh phúc vì cả cuộc đời gắn với y học dân tộc
Ngày đăng: 11/07/2015 21:00

Thầy thuốc ưu tú – BSCK I Phạm Văn Long - Giám đốc BV Y dược cổ truyền Đồng Nai.

NDĐT- Xuất thân theo học Tây y nhưng cơ duyên lại gắn ông với Y học cổ truyền hơn 30 năm qua. Nhưng chính sự kết hợp các phương pháp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đã mang lại kết quả cao trong điều trị. Không chỉ khám và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mà ông còn góp phần truyền dạy kinh nghiệm cho nhiều thế hệ thầy thuốc trẻ.

Nghề không chọn lầm người

Gặp thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Long, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai trong những ngày cuối năm với bao bộn bề công việc nhưng ông vẫn dành cho tôi một ít thời gian để trò chuyện về công việc của mình. BS Phạm Văn Long rất kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng ông lại rất hào hứng khi nói đến những cây thuốc nam, những bài thuốc gia truyền, dân gian đang được áp dụng trong cộng đồng, hay sự kết hợp hoàn hảo giữa Y học cổ truyền với Y học hiện đại.

Năm 1981, BS Long về công tác tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai và từ đó Y học cổ truyền đã gắn với ông. Đảm nhiệm công tác ở nhiều vị trí khác nhau như BS điều trị, Trưởng khoa YHCT bệnh viện Thống Nhất, Chuyên viên Y học cổ truyền Sở Y tế Đồng Nai, Phó phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Đồng Nai rồi cuối cùng ông trở lại làm chuyên môn ở Bệnh viện Y dược cổ truyền kiêm Chủ tịch Hội Châm Cứu của tỉnh. Được làm việc trực tiếp với bệnh nhân, có vườn cây thuốc nam kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, kết hợp các phương pháp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để mang lại kết quả cao trong điều trị đó là điều ông luôn tâm nguyện.

Theo Thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Long, trước đây khám bệnh theo y học cổ truyền gồm tứ chẩn: Vọng (nhìn),Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (xem mạch). Nhưng bây giờ, có sự phối hợp chẩn đoán bằng hình ảnh của y học hiện đại giúp rất nhiều cho các BS đông y. Ngoài dùng thuốc đông y, trong quá trình điều trị, bệnh viện còn kết hợp với phương pháp như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… với các phương pháp vật lý trị liệu là xung điện, siêu âm trị liệu, điện từ trường, laser điều trị, tắm thuốc, ngâm thuốc, xông thuốc… Nhờ vậy, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều loại bệnh và chứng khó như: viêm khớp, thoái hóa cột sống, bệnh trĩ, di chứng sau tai biến mạch máu não, mất ngủ kéo dài…

Việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học điện đại trong chẩn đoán và điều trị mang lại nhiều ưu điểm. Thời gian điều trị cho bệnh nhân được rút ngắn, nhất là với những bệnh yếu liệt do tai biến mạch máu não hay do chấn thương, một số bệnh mạn tính, bệnh ở người cao tuổi. Trong điều trị, dùng thuốc đông y ít có tác dụng phụ khi dùng dài ngày. Các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền bao gồm ăn uống, luyện hơi thở, tập luyện, vận động hợp lý, vừa giải quyết được tình trạng bệnh vừa để phòng bệnh và kéo dài tuổi thọ.

BS Phạm Văn Long đang kiểm tra thuốc sắc.

Người thầy thuốc “nặng nợ nhiều vai”

Cống hiến hết mình cho sự nghiệp, nhưng khi tôi có nhã ý viết về ông, ông lắc đầu từ chối: “Một cây làm chẳng nên non. Không có ai một mình mà làm nên chuyện. Thành quả là của một tập thể, của những con người cùng chí hướng vì bệnh nhân”.

BS Long chia sẻ, bệnh nhân đã tiếp thêm sức mạnh để thầy thuốc gắn bó với nghề. Niềm vui lớn nhất là hiệu quả điều trị và tình cảm của bệnh nhân. Bằng chứng là lượng bệnh nhân quan tâm đến y học dân tộc ngày càng tăng và kết quả điều trị cũng khả quan hơn. Ông nhớ lại, ngày xưa điều trị Y học cổ truyền trong một bệnh viện đa khoa rất hạn chế vì bệnh nhân chưa tin tưởng. Sau thời gian dài điều trị hiệu quả, cách nhìn về đông y cũng khác hơn. Y học cổ truyền điều trị tận gốc, nhất là khi có kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp không dùng thuốc nên nó tăng thêm hiệu quả của y học cổ truyền.

Ngoài những việc BS Long đang làm, ông còn ấp ủ đề tài để thống kê được danh mục thuốc nam đang dùng chữa bệnh trong tỉnh và những bài thuốc nam điều trị theo dân gian có hiệu quả. Hiện nay, BS Long và các đồng nghiệp vẫn đi sưu tầm một số cây thuốc nam không phổ biến bên ngoài mà ở trong các khu rừng xa xôi đưa về để trồng trong vườn thuốc nam của bệnh viện để hướng dẫn cho người dân có thể trồng và sử dụng để chữa bệnh khi cần, phát động và hướng dẫn nhân dân xây dựng tủ thuốc xanh tại mỗi gia đình, khôi phục vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế, đẩy mạnh áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như: châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt để điều trị các bệnh thông thường. Ông còn chủ trì điều tra khảo sát nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương phân bổ theo vùng để có kế hoạch nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, xây dựng xã điểm tiên tiến về y dược cổ truyền, xã đạt chuẩn Quốc gia.

Bên cạnh việc chữa trị cứu người, BS Long còn một niềm đam mê rất lớn là giảng dạy và nghiên cứu. BS Long đã tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đặc điểm bệnh tăng huyết áp và thấp khớp ở người cao tuổi tỉnh Đồng Nai và ứng dụng một số bài thuốc Đông y góp phần điều trị 2 loại bệnh trên”; Đề tài “Tổng kết đánh giá hiệu quả của thuốc Luotai (chiết xuất từ củ tam thất) điều trị bệnh nhân nhồi máu não do xơ vữa động mạch tại BV Y dược cổ truyền Đồng Nai”. Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai đã có những đề tài do BS Long nghiên cứu áp dụng như: Điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp tiêm PG60 gây xơ chai, Phương pháp thắt búi trĩ độ II-III gây hoại tử búi trĩ vừa ít tốn kém vừa rút ngắn thời gian cho bệnh nhân…

Điều đặc biệt ở người thầy giáo, thầy thuốc Phạm Văn Long là ông luôn khát khao truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ông luôn tâm niệm: Khi dạy phải cầm tay chỉ việc, phải truyền đạt kiến thức bằng tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc. Và phải luôn nghĩ rằng khi mình đi dạy cũng chính là lúc mình đi học. Lớp học ông dạy là nơi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.

Với trọng trách là giám đốc bệnh viện, ông từng bước đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, công tác chăm sóc các đối tượng chính sách ưu đãi, người nghèo người có công.

Hình ảnh người thầy thuốc ưu tú Phạm Văn Long “nặng nợ nhiều vai”: người thầy thuốc giỏi, người thầy tâm huyết và là nhà quản lý cấp tiến. Nhưng có lẽ hơn bao giờ hết, khát khao nghiên cứu thuốc y học dân tộc và tấm lòng cao đẹp của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh vẫn theo ông đi suốt cuộc đời…

NHANDAN - NAM HƯƠNG GIANG