Từ ngày 3-6/10, chiến dịch cao điểm diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) vòng 4 được diễn ra đồng loạt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Mục tiêu của chiến dịch nhằm huy động toàn cộng đồng tham gia diệt lăng quăng, phòng ngừa SXH với 171/171 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh tổ chức phát động chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi; thực hiện truyền thông lưu động tại cộng đồng, cung cấp kiến thức phòng bệnh SXH cho người dân; 100% hộ gia đình ký cam kết không có lăng quăng, được xử lý không còn lăng quăng và kiểm tra không còn lăng quăng, bọ gậy trong nhà; 100% các khu đất trống, công trình xây dựng dở dang được tổ chức vệ sinh môi trường, dọn dẹp vật phế thải để không tồn đọng nơi muỗi để trứng.
Phun thuốc diệt muỗi tại một hộ dân ở huyện Nhơn Trạch
Trong chiến dịch, các xe lưu động diễu hành trên các trục đường chính của các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động các gia đình tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng. Điểm mới của chiến dịch cao điểm là các cộng tác viên y tế đến tận hộ gia đình tuyên truyền, phát tờ rơi, ký cam kết và hướng dẫn các biện pháp diệt lăng quăng phòng bệnh SXH. Lực lượng tham gia chiến dịch thực hiện vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm ở các điểm công cộng… Đồng thời, Sở Y tế cũng thành lập 12 đoàn giám sát công tác triển khai chiến dịch tại các địa phương nhằm kịp thời chấn chỉnh để chiến dịch đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng Nai hiện là tỉnh trọng điểm về SXH với số ca mắc đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh). Trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có hơn 5,6 ngàn trường hợp mắc SXH, tăng 1,82 lần so với cùng kỳ năm trước, 4 ca tử vong ở các địa phương: TP. Biên Hòa, huyện Định Quán, Trảng Bom và Tân Phú (tăng 3 ca). Tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có số ca mắc SXH tăng, trong đó tăng cao nhất là TP. Biên Hòa với trên 2.709 ca mắc SXH (tăng 3,5 lần), thứ hai là huyện Tân Phú (tăng 2,7 lần), tiếp đến là Trảng Bom gần 703 ca (tăng 1,9 lần). Đặc biệt, năm nay số ca mắc SXH là người lớn đang tăng lên. Hiện nay, tỷ lệ mắc SXH người lớn chiếm gần 50%.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Huỳnh Minh Hoàn cho rằng, nguyên nhân gia tăng bất thường dịch của SXH trong năm nay ngoài yếu tố khách quan về thời tiết, đặc điểm dịch tễ… thì tâm lý chủ quan của người dân cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH cứ dai dẳng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy được cộng tác viên và nhân viên y tế thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí viết cam kết nhưng khi kiểm tra lại thì vẫn có đến hơn 50% dụng cụ chứa nước có bọ gậy hoặc đã nở thành lăng quăng. Mặt khác, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tập trung đông công nhân. Do họ sáng đi làm sớm, đến tối mới về nên nhiều địa phương không thể vào nhà để phun hóa chất diệt muỗi… Vì vậy, hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả không cao như mong muốn.
Ngoài ra, các chỉ số mật độ côn trùng tại Đồng Nai tăng cao so với cùng thời điểm năm 2014, chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có lăng quăng/bọ gậy) vượt ngưỡng cảnh báo từ tháng 5 đến tháng 9. Đặc biệt chỉ số này ở một số địa phương vượt trên ngưỡng nguy cơ như: huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, TP. Biên Hòa. Chỉ số mật độ muỗi cũng vượt ngưỡng cảnh báo từ tháng 6...
Trong 3 chiến dịch diệt lăng quăng được tổ chức trước đó, ngành Y tế tỉnh chỉ triển khai ở một số xã, phường trọng điểm có số ca mắc SXH cao. Chiến dịch cao điểm vòng 4 lần này được thực hiện đồng loạt tại 100% xã, phường, thị trấn ở 11/11 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, nhằm đảm bảo 100% hộ gia đình trên toàn tỉnh không còn lăng quăng sau chiến dịch. Qua đó giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXH, cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia thực hiện vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, thu gom vật phế thải chứa nước không cho muỗi đẻ trứng… để phòng ngừa bệnh SXH.
Tin, ảnh: Quỳnh Nga, t4g Đồng Nai