Đỡ đau nhờ nhúng sáp.
Trong những năm trở lại đây, Bệnh viện Y dược cổ truyền (YDCT) Đồng Nai đã triển khai và áp dụng có hiệu quả nhiều phương pháp, kỹ thuật mới trong khám, điều trị cho bệnh nhân. Có thể kể đến các kỹ thuật, như: chữa bệnh trĩ bằng phương pháp đông tây y kết hợp; đắp, nhúng sáp (Paraffin) điều trị bệnh tê, mỏi, đau nhức xương khớp tay, chân...
Bệnh nhân được điều trị kỹ thuật nhúng sáp tại bệnh viện.
BS.CKII Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện YDCT Đồng Nai cho biết, hiện bệnh viện đang áp dụng phương pháp đắp, nhúng sáp (Paraffin) để chống viêm, giảm đau trong một số bệnh thuộc về tổn thương thần kinh ngoại biên. Nhiều người có bệnh về khớp, tê tay, chân khi đến chữa trị bằng phương pháp này đều rất hài lòng bởi hiệu quả mang lại của nó.
Đang điều trị viêm gân khớp tay bằng phương pháp nhúng sáp tại bệnh viện, bà Nguyễn Thị X, 58 tuổi, ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) cho hay: "Đầu năm 2015, các khớp tay của tôi sưng to và đau, tôi đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Nghe bạn bè giới thiệu Bệnh viện YDCT tỉnh chữa trị các bệnh về khớp bằng đắp, nhúng sáp nên tôi đã đến đây điều trị. Sau hơn một tháng điều trị tôi thấy bệnh đỡ hẳn, không còn đau như trước nữa". Còn chị Phan Thị H, 40 tuổi, ở phường Bửu Long bị thoái hóa cột sống kèm theo tê nhức cổ và bàn tay được một thời gian dài. Căn bệnh này đã khiến chị nhiều đêm phải thức giấc và rất khó ngủ vì hai bàn tay bị tê nhức. Sau khi đến khám và điều trị bằng phương pháp Paraffin tại Bệnh viện YDCT, chị rất hài lòng vì hiện tượng tê tay của mình đã giảm nhiều hơn so với trước.
Theo bác sĩ Nghị, Paraffin có dung nhiệt cao, nhiệt độ giảm rất chậm nên có thể truyền vào cơ thể một lượng nhiệt rất lớn trong thời gian tương đối dài và có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ, từ đó có tác dụng giảm đau đối với các chứng mạn tính. Đồng thời, làm thư giãn cơ co thắt, điều hòa thần kinh thực vật. Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng nhiệt trong một thời gian đủ lâu để tác động lên phần bị sưng đau. Một liệu trình kéo dài 20 - 30 phút/lần, mỗi đợt khoảng 1 tuần, nghỉ vài ngày lại làm tiếp.
Khi đắp sáp, kỹ thuật viên đổ Paraffin nóng chảy vào khay men dày 3cm, để cho nguội tự nhiên đến khi miếng Paraffin đông mềm đều bên trong không còn lỏng. Lúc đó nhiệt độ miếng Paraffin khoảng 43-45°C thì đắp trực tiếp áp sát lên vùng da cần điều trị, dùng miếng nylon phủ rồi quấn khăn bông hoặc chăn phủ bọc xung quanh để giữ nhiệt. Thường sau 20 phút thì bỏ ra và kiểm tra lại vùng da thấy đỏ đều nhưng không rát bỏng, có lấm tấm mồ hôi, lau khô sạch là được.
Còn nhúng Paraffin thường dùng cho ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân nơi khó đắp miếng Paraffin. Đổ Paraffin nóng chảy vào ca hoặc chậu, lần đầu nhúng nhanh bộ phận cần điều trị vào rồi rút ra ngay, khi đó một lớp Paraffin mỏng bám vào da sẽ đông kết ngay, tiếp tục nhúng 3-4 lần nữa để lớp Paraffin phủ ngoài dày lên như một khối, sau đó dùng khăn ủ 20-30 phút.
Điều trị bằng Paraffin (nhúng, hoặc đắp sáp) không bị bỏng. Bệnh nhân bị tê, mỏi, đau nhức xương khớp tay, chân... đều có thể sử dụng phương pháp này khá hiệu quả. Điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật.
Chị Đặng Thị Hòa, 30 tuổi, phường Tân Phong (Biên Hòa) bị bệnh trĩ độ 1 hơn 6 tháng, chị đi khám, uống thuốc và điều trị nhiều nơi nhưng không thấy đỡ mà ngày càng nặng hơn, bất tiện trong việc sinh hoạt. Khi được bạn bè giới thiệu Bệnh viện YDCT chữa trĩ bằng phương pháp đông tây y kết hợp, chị đã đến khám và điều trị. Sau 2 lần tiêm thuốc và uống thuốc hơn 2 tuần thì trĩ teo hẳn và không còn gây khó chịu nữa. "Tôi thật bất ngờ về kết quả chữa trị này. Bởi khi tiêm thuốc vào búi trĩ chỉ nhốt nhốt chứ không đau đớn gì. Đây là một phương pháp hữu hiệu, một tin vui cho người bị bệnh trĩ, thời gian chữa trị nhanh, ít tốn kém", chị Hòa vui vẻ nói.
BS.CKI Phạm Văn Long, Giám đốc Bệnh viện YDCT Đồng Nai cho biết, bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch hay còn gọi là sự phình tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Bệnh trĩ có 3 mức độ, độ 1 là mức độ nhẹ nhất, thường thấy là tĩnh mạch bị phình, đi tiêu ra máu tươi. Độ 2 và độ 3: trĩ lòi ra ngoài, chảy máu tươi, đau rát. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là người có cơ địa táo bón, tuy nhiên người bị tiêu chảy kéo dài cũng có thể gây giãn tĩnh mạch hậu môn. Khi các tĩnh mạch ở thành hậu môn bị tổn thương kéo theo các viêm nhiễm, các mạch máu ở đây bị tắc nghẽn lâu ngày sẽ phình ra thành các búi trĩ.
Điều trị bệnh trĩ bằng đông tây y kết hợp được Bệnh viện YDCT Đồng Nai triển khai từ đầu năm 2015. Đến nay, bệnh viện đã giúp nhiều bệnh nhân bị căn bệnh "khó nói" này nhanh khỏi bệnh, bớt đau đớn mà không phải trải qua cuộc phẫu nào. Theo đó, bệnh nhân được tiêm thuốc trực tiếp vào búi trĩ làm cho nó teo, co nhỏ lại. Đồng thời kết hợp với các bài thuốc y học cổ truyền làm búi trĩ co lên, tăng cường bảo vệ thành mạch, kết hợp nhuận trường. Đặc biệt, phương pháp này có thể điều trị bệnh trĩ từ độ 1 đến độ 3. Thời gian điều trị ngắn, thông thường bệnh trĩ ở mức độ nhẹ, độ 1, chỉ mất từ 1-2 tuần là khỏi, dài nhất từ 3-4 tuần. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường mà không phải nằm điều trị tại bệnh viện.
"Bệnh trĩ nếu phát hiện sớm, hiệu quả điều trị bằng đông tây y càng cao. Nếu điều trị trễ sẽ thành bệnh trĩ hỗn hợp phức tạp như vừa trĩ nội vừa trĩ ngoại vừa bị sa giãn hậu môn thì không thể điều trị bằng phương pháp đông y mà bắt buộc phải phẫu thuật", bác sĩ Long cho hay.
Sao Mai